TRANG SINH HOẠT
chuyên phóng sự về các sinh hoạt Cộng Đồng của người Việt Quốc Gia ở Hải Ngoại nói chung và tại Nam Úc nói riêng


Để Trả Lời Những Bài Viết Về
Toàn Quyền Lê Văn Hiếu


Tác giả: V.T
Thể loại: Sinh Hoạt

 Lời Tòa Soạn: Diễn Đàn Nông Gia Việt Nam-Nam Úc là trang blog đăng tải những bài của độc giả gởi đến. Vì vậy, khi đăng tải vào trang mạng thì những địa chỉ email của độc giả sẽ tự động phản hồi. Nếu độc giả nào không muốn bài viết gởi đến địa chỉ email của mình thì xin báo cho tòa soạn biết để chúng tôi điều chỉnh...Thành thật cám ơn.
DĐNGVNSA

Lời Tác giả:
      Thời gian qua, trên Adelaide tuần báo có đăng tải những bài viết nói về chuyến công du Việt Nam của toàn quyền Lê Văn Hiếu. Nội dung vài bài viết có những điểm mang tính phỉ báng, bôi nhọ cá nhân làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của vị toàn quyền Úc gốc Việt. Điển hình vài chi tiết trong các bài viết của tác giả sau đây:
1./ Ls Mai thành Đức:  ....Không có điều khoản nào trong bất kỳ đạo luật nào tại Nam Úc cho phép TQTB tham gia các sinh hoạt mang ý nghĩa chính trị.
       Một số nhận định cho rằng ông Lê Văn Hiếu có thể đã tự nguyện tháp tùng phái đoàn Thủ Hiến trên căn bản là thông dịch viên chứ không phải là với tư cách TQTB..”
2./ Vũ Đức Lâm: Toàn quyền Lê Văn Hiếu đi VN trong vai trò là một Saleman..!!
3./ Trần Văn Nhu: Rất nhiều người Việt Nam tại Nam Úc đâm ra hoang mang, lo lắng khi hay tin bố của ông Lê Văn Hiếu không chết như lời ông ấy khai trước đây, mà là theo Việt Minh rồi tập kết ra Bắc Việt Nam sau hiệp định Geneve năm 1954. Xin ông thủ hiến có thể cho tiến hành điều tra và xác định nguồn tin trên đúng hay sai?
    Nếu nguồn tin ấy được chính phủ liên bang cũng như tiểu bang, Bộ Di Trú, những cơ quan an ninh phản gián như ASIO, cảnh sát liên bang xác nhận là sai thì thật may mắn vì niềm tin và sự ủng hộ của dân chúng vào ông toàn quyền sẽ dâng cao.
    Còn nếu như nguồn tin ấy là đúng thì người dân trong đó có tôi sẽ vô cùng thất vọng và mất hết mọi niềm tin mà tôi và nhiều người đã dành cho ông trước đây.
    Để cuộc điều tra được vô tư và minh bạch, tôi nghĩ là ông toàn quyền Lê Văn Hiếu nên tự xin tạm ngưng nhiệm vụ toàn quyền (step aside) cho đến khi có kết quả chính thức của cuộc điều tra. Kính mong được ông thủ hiến và ông toàn quyền trả lời các câu hỏi trên...

    Và vừa rồi, thủ hiến Jay Weatherill đã gởi cho ông Lê Quang Tín, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc một thư trả lời với nội dung xác định về vai trò và vị thế của toàn quyền Lê Văn Hiếu công du Việt Nam. Lá thư nầy đề ngày 15/9/2016 và đã gởi đến văn phòng cộng đồng, nhưng mãi đến ngày 06/10/2016 lá thư mới được đăng tải trên Adelaide TB!

       Theo yêu cầu của độc giả, DĐNGVNSA xin đăng lại lá thư của thủ hiến Nam Úc gởi cho chủ tịch Lê Quang Tín, đã chuyển sang Việt ngữ, ngỏ hầu độc giả Việt Nam tường tận về chuyến công du của ngài toàn quyền Lê Văn Hiếu:

THƯ THỦ HIẾN GỞI CHỦ TỊCH LÊ QUANG TÍN
Kính gởi Ông Lê Quang Tín
Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại Nam Úc
62 Athol street
Athol Park  SA  5012

Thưa Ông Tín,
      Tôi muốn cám ơn Ông và những thành viên của cộng đồng người Việt Nam đã đến tham dự phiên họp tại tòa nhà Quốc hội ngày Thứ Năm 01 tháng 9-2016.
      Trong phiên họp, tôi có nói sẽ tiến hành việc phúc đáp bằng văn thư về những ưu tư mà các thành viên cộng đồng đã nêu ra về chuyến công du đến Việt Nam của chính quyền Nam Úc vào tháng 6 vừa qua.
      Trước hết, tôi ghi nhận sự đóng góp quan trọng của cộng đồng Việt Nam cho sự thịnh vượng xã hội của Nam Úc. Tôi có được vinh hạnh là một người dân biểu đại diện một địa hạt có nhiều cử tri người Việt và tôi cũng có biết nhiều vị trong số những người tham dự cuộc họp này. Tôi cũng rất hân hạnh có những tình thân hữu với các thành viên của cộng đồng Việt.
      Một yếu tố quan trọng trong chiến lược kinh tế của chính phủ của tôi là quốc tế hóa nền kinh tế Nam Úc. Việc phát triển thị trường quốc tế phải có bao gồm những nước ở Đông Nam Á. Quan hệ thương mại Úc với Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ hơn so với bất kỳ quốc gia Á Châu nào khác trong 10 năm qua. Vì vậy, chuyến thăm Việt Nam của chúng tôi là một chuyện đương nhiên trong chiến lược của chúng tôi.
      Chính phủ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thương mại, nhưng sự thương mại này phần lớn tự nó là do những cơ sở kinh doanh cá thể. Vì lý do này, chúng tôi đã hướng dẫn một phái đoàn gồm các doanh nghiệp tại Nam Úc muốn kinh doanh với các đối tác thương mại tại Việt Nam. Việc làm này của chính quyền Nam Úc nhằm hỗ trợ giúp các doanh nghiệp của Nam Úc phát triển cũng như giúp họ tạo thêm các cơ hội mậu dịch.
      Một yếu tố quan trọng khác trong chiến lược kinh tế Đông Nam Á của chúng tôi là thu hút sinh viên nước ngoài. Sinh viên Việt Nam đang đóng góp ước tính khoảng $50 triệu vào cho nền kinh tế Nam Úc với tỷ lệ là 5.3 phần trăm trên tổng số sinh viên Việt Nam du học tại Úc. Chúng tôi muốn nâng con số tỷ lệ đó cao hơn nữa.
      Cần nhấn mạnh một điều là chính sách Đa Văn Hóa rất thành công của Úc và nét đặc thù là việc tự nó tạo ra cơ hội cho tất cả, là một lợi điểm then chốt tạo nên sự thành công trong mô hình phát triển xã hội và kinh tế của nước Úc. Đó là điều mà chúng tôi muốn quảng bá ra thế giới.
     Tôi muốn xác định với quí vị là chính tôi đã mời Ngài Toàn Quyền hướng dẫn phái đoàn. Chiếu theo hệ thống Westminster của Chính phủ mẫu quốc Anh, Ngài Toàn Quyền đã hành xử đúng theo yêu cầu của Thủ Hiến. Trong việc thực hiện chuyến đi này, Ngài chỉ đơn giản là thực hiện trách nhiệm vai trò của mình: Ngài đang làm phận sự của mình.
      Tôi nhìn thấy sự trở lại Việt Nam của Ngài Toàn Quyền như là một biểu tượng rất hùng hồn của những cơ hội thăng tiến cho tất cả mọi người trong một xã hội tự do, dân chủ và bình đẳng như nước Úc. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng sự tham dự của Ngài giúp tiểu bang Nam Úc có được những lợi thế hơn các tiểu bang khác.
     Theo quan điểm của ông Đại sứ Úc tại Việt Nam thì Ngài Toàn quyền là người có chức vụ cao cấp. Toàn Quyền Lê Văn Hiếu là người thứ tư có chức vụ cao nhất tại Úc và vì mối quan hệ ngoại giao chính thức giữa Úc và Việt Nam, nên nhà cầm quyền Việt Nam tại Hà Nội có tổ chức một buổi lễ đón tiếp theo thể thức ngoại giao. Nội dung của cuộc họp đó, có tôi và ông Đại sứ  tham dự, chỉ hoàn toàn là nghi thức ngoại giao và chỉ có tính cách hình thức mà thôi.
     Ngài Toàn Quyền đã yêu cầu tôi chuyển đạt lại cho cộng đồng là ông quan tâm sâu sắc và cá nhân ông lấy làm tiếc rằng cuộc họp với chính quyền Việt Nam đã khiến một số người Việt trong cộng đồng bất mãn và yêu cầu cộng đồng nên hiểu cho nhiệm vụ và nghĩa vụ đối với vai trò của Ngài và những tình huống đòi hỏi phải tham dự cuộc họp. Ông cũng nói thêm rằng ông đã không quên và sẽ không bao giờ quên nguồn gốc của mình là một người tị nạn và di dân đến đất nước này và tự hứa với lòng mình là sẽ hỗ trợ tất cả những người tị nạn, các cộng đồng Việt Nam và cho sự thăng tiến của chính sách đa văn hóa thành công tại Úc và cho xã hội Úc nói chung, là một vấn đề có kỷ lục lâu đời mà vẫn tồn tại không hề bị phai mờ.
      Ngài nói rằng "là một người Úc gốc Việt Nam, đặc biệt nhất là một người tị nạn, tôi tự hào về căn tính của tôi và trong bất cứ trường hợp nào tôi cũng sẽ luôn nỗ lực để bảo vệ danh dự của người tị nạn Việt Nam."
     Dù rằng tôi có thể hiểu và thông cảm với những quan tâm của quí vị, tôi phải nhắc lại rằng bất cứ sự lo ngại hoặc chỉ trích liên quan đến chuyến công du tại Việt Nam vừa qua xin hãy góp ý trực tiếp tới tôi, chứ không phải là Ngài Toàn Quyền, người chỉ hoạt động qua sự tham vấn và yêu cầu của Chính phủ của tôi.
     Sau cùng, việc lên tiếng về vấn đề nhân quyền với Việt Nam, vấn đề này là trách nhiệm của Chính phủ Liên Bang. Tôi có góp ý với Liên bang thường xuyên nêu lên những nghi vấn về nhân quyền và các  trường hợp cá biệt cụ thể với  nhà chức trách Việt Nam. Nếu quí vị có bất cứ vấn đề nào mà muốn nêu lên, tôi sẽ rất vui khi được làm việc với quí vị, tôi sẽ giúp chuyển những vấn đề này đến các cơ quan chính phủ Úc đúng chức năng để vận động. Tôi cũng hân hoan chào đón mọi sự tham gia góp ý của cộng đồng để chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Chính phủ Nam Úc được phát triển hơn nữa.
      Một lần nữa, tôi thành thật cám ơn quí vị đã đến tham dự buổi họp tại Tòa nhà Quốc hội để trình bày những ưu tư của quý vị trực tiếp với tôi.

Trân trọng mến chào
Jay Weatherill
Thủ Hiến